Cựu du học sinh Úc hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng

Chủ nhật, 28/07/2024

9:48 pm(VN)

-

12:48 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Cựu du học sinh Úc hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng

01/03/2023

Với đam mê làm thiện nguyện, nhóm cựu du học sinh Úc đã cùng nhau thực hiện dự án cộng đồng mang tên ESDS, đồng hành cùng người dân tại Bản Sưng (Xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng.

 

 

Khát khao góp sức bồi đắp quê hương

 

Đến với Bản Sưng, một xóm từng được giới thiệu là nơi nghèo nhất của xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), giờ đây chúng tôi không khỏi bất ngờ, Bản Sưng đã trở mình. Ẩn giữa thiên nhiên yên bình với núi rừng hùng vĩ, không phải một cuộc sống tẻ nhạt, mà là một cộng đồng người dân tộc Dao Tiền nhộn nhịp, đoàn kết cùng nhau phát triển du lịch để tạo sinh kế bền vững.

 

Anh Nguyễn Hà Hải (Phụ trách tài chính) chia sẻ: “Cơ duyên đến với Bản Sưng cũng rất tình cờ. Khi ấy, chúng tôi có 3 người gồm: Tôi, Long (Káp Thành Long - Phụ trách nhóm thổ cẩm) và Yến (Nguyễn Hải Yến - Trưởng nhóm). Cả nhóm chưa thực sự có một kế hoạch cụ thể, chỉ có mong muốn phải làm một dự án cộng đồng nào đó giúp ích cho người dân. Sau đó, chúng tôi mới có thêm thành viên là Nguyễn Thị Thùy - Phụ trách nhóm Dược liệu từ sự giới thiệu của Yến”.

 

Bắt đầu từ mong muốn đó, cả 4 thành viên ngay lập tức bắt tay vào việc khảo sát địa điểm phù hợp. Thời gian đầu cũng có khá nhiều địa điểm được tìm hiểu, nhưng cuối cùng, cả nhóm đã quyết định chọn địa điểm làm dự án tại Bản Sưng - một nơi mà tất cả nhóm chưa từng đến trước đó.

 

Chia sẻ về lý do nên duyên với Bản Sưng, chị Hải Yến chia sẻ: “Qua người quen, chúng tôi biết đến tình hình thực tế tại Bản Sưng. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, cùng việc đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh đã làm giảm mạnh dòng khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho đồng bào người Dao Tiền tại Bản Sưng. Không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, mà cơ sở vật chất đầu tư trong mô hình và các nghề thủ công truyền thống có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng hoặc dần mai một. Chúng tôi muốn giúp người dân giữ được nghề truyền thống, từ đó tạo dựng mô hình du lịch cộng đồng và phát triển bền vững.

 

Ngay khi xác định được điểm đến, số lượng các thành viên trong nhóm cũng tăng dần. Từ 4 thành viên ban đầu, qua sự kết nối, nhóm đã có 6 thành viên chủ lực để thực hiện dự án.

 

Nhớ lại khoảng thời gian trước khi bắt đầu dự án ESDS, chị Phạm Nhật Nga - Phụ trách nhóm Truyền thông tâm sự: “Mặc dù là lần đầu cả 6 thành viên làm việc cùng nhau, nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục những khó khăn, để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất giúp người dân ở Bản Sưng phát triển bền vững”.

 

Đơm trái ngọt từ tình yêu thương

 

Suốt 1 năm trời ròng rã cùng bà con thực hiện dự án (từ 3/2022 đến 3/2023), cả nhóm đã gặp không ít khó khăn. Mỗi người đều có những công việc riêng và ở những địa điểm khác nhau, nên trước đó cả nhóm chưa từng có một cuộc họp mặt đầy đủ.

 

Chị Nguyễn Thị Thùy - Phụ trách nhóm Dược liệu tâm sự: “Những cuộc họp của nhóm thường diễn ra online vào lúc 21 giờ. Bởi người đi học, người đi làm, người đi công tác.. nên việc gặp mặt nhau đầy đủ là rất khó. Phải đến ngày cuối cùng khi dự án khép lại, chúng tôi mới gặp mặt nhau ngoài đời lần đầu”.

 

Vì dự án kéo dài 1 năm, các thành viên phải phân chia thời gian để có mặt tại bản. Liên tục 12 tháng, Bản Sưng luôn luôn có sự góp mặt của một đến vài thành viên trong nhóm hỗ trợ bà con thực hiện dự án.

 

Với sự nỗ lực không ngừng giữa người dân Bản Sưng và nhóm Cựu du học sinh Úc, những thành quả ngọt  đã đơm bông, kết trái.

 

Hơn 80 người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án; 04 tổ nhóm được thực hiện bao gồm: Nhóm nông nghiệp, nhóm dược liệu, nhóm giấy dó, nhóm thổ cẩm. Xấp xỉ 60 phụ nữ được tập huấn nâng cao năng lực tự vững; 15 khóa tập huấn đã được triển khai trong vòng 6 tháng (tháng 5 - tháng 11/2022).

 

Chị Lý Thị Nhất - Nhóm trưởng nhóm thổ cẩm chia sẻ: “Trước đó, người dân chúng tôi chỉ biết làm nương rẫy và sống nhờ vào rừng, cũng không biết làm những việc khác và phát triển mô hình du lịch cộng đồng một cách bài bản. Từ ngày có các anh chị trong dự án ESDS về hỗ trợ, chúng tôi đã khôi phục được nghề truyền thống và còn được học cách sáng tạo, để tạo ra những sản phẩm phù hợp với hiện tại. Thu nhập của bà con nhờ đó đã tăng lên”.

 

Bên cạnh các con số trên, dự án cũng góp phần khôi phục, lưu giữ được nghề làm giấy dó truyền thống và đa dạng hóa các sản phẩm được phát triển đối với nhóm thổ cẩm và dược liệu. Ngoài tạo tiền đề cho sinh kế bền vững thông qua việc thành lập các tổ sản xuất và phát triển sản phẩm dược liệu, giấy dó và thổ cẩm, dự án cũng đã nâng cao năng lực truyền thông, dịch vụ du lịch và quản lý khách hàng cho người dân.

 

Đặc biệt, phụ nữ là đối tượng được hưởng lợi chính với 75.54% số lượt tham gia tất cả các loại hình tập huấn (con số này ở nam giới là 24.46%).

 

Bà Bàn Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh: “Dự án đã góp phần bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống như sản xuất giấy dó, thổ cẩm, thảo dược… cùng với việc tăng cường các kỹ năng truyền thông và tiếp thị, thực hành chăm sóc khách hàng vì sự phát triển bền vững của mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng. Do đó, tôi và lãnh đạo địa phương huyện Đà Bắc, đặc biệt là xã Cao Sơn đánh giá rất cao những nỗ lực của nhóm triển khai dự án và mong muốn dự án được tiếp tục sau khi kết thúc vào tháng 3/2023”.

 

Bản Sưng những ngày cuối cùng của tháng 2 nắng đẹp chan hòa, như một lời cảm ơn chân thành đến các thành viên trong dự án, đồng thời cũng là lời khẳng định, nơi đây sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ hơn từ những tiền đề mà dự án ESDS đã mang lại./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn danviet.vn

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage