Dư luận về việc cảnh sát giao thông hóa trang làm nhiệm vụ

Chủ nhật, 28/07/2024

10:24 pm(VN)

-

1:24 am(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Dư luận về việc cảnh sát giao thông hóa trang làm nhiệm vụ

29/03/2024

Theo đài RFA, Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an mới đây cho biết sẽ có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) hóa trang, mặc thường phục thường xuyên di chuyển, bí mật nắm tình hình để ghi nhận vi phạm trên các tuyến đường không có hệ thống camera giám sát để thông tin cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai xử lý.


Dư luận đặt câu hỏi, với tình trạng giả-thật, thật-giả lẫn lộn, người dân bình thường làm sao phân biệt được đâu là CSGT thật, đâu là CSGT giả. Sao không tìm cách để người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông, hạn chế vấn đề xử phạt?


Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông giải thích với truyền thông rằng, lực lượng mặc thường phục, hóa trang chỉ có nhiệm vụ sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không trực tiếp xử lý vi phạm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, CSGT hóa trang sẽ sử dụng giấy chứng minh Công an Nhân dân để ngăn chặn hành vi vi phạm: “Việc hóa trang ghi hình các tài xế điều khiển xe vượt ẩu, lấn làn đã được Cục CSGT áp dụng tại tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn và bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt, nhiều tài xế có ý thức chấp hành hơn”.
 

Hồi tháng 9/2020, Bộ Công an Việt Nam từng ra cảnh báo với người dân về thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh công an, kiểm sát viên đe dọa bắt giam để lừa tiền. Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có gần 800 vụ giả dạng công an lừa đảo số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Những người lừa đảo cho biết họ mua trang phục công an trên mạng xã hội.


Mới cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Hạnh do giả danh công an chiếm đoạt tài sản. Chuyện làm giả thẻ ngành công an đi lừa đảo cũng thường xuyên được báo chí đưa tin.


Làm sao để người dân biết ai là CSGT thật, ai là CSGT giả không nằm trong “nghiệp vụ” của người dân một khi CSGT được phép mặc thường phục khi làm nhiệm vụ. Cho dù là xử phạt hay quay phim để ghi nhận các hành vi vi phạm. Đề xuất CSGT mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm được đưa ra từ năm 2022. Mặc dù bị dư luận người dân phản đối, nhưng đề xuất này vẫn được thông qua. Cụ thể, CSGT hóa trang phải có kế hoạch trước, được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, thiết bị nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ.


Với tư cách là một người dân, ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng CSGT không phải là cơ quan tình báo, gián điệp và vi phạm giao thông không phải là tội phạm nghiêm trọng. Việc hóa trang khiến người dân nghĩ rằng có sự mờ ám: “Nếu là lực lượng cảnh sát hình sự, có thể sử dụng hình thức này, phải giả dạng để điều tra. Còn đối với CSGT, nếu giả dạng, hay hóa trang sẽ thể hiện lực lượng này bất lực… Lực lượng CSGT là phục vụ người dân, làm cho tình hình an toàn giao thông tốt hơn, chứ không phải lén lút mặc thường phục, quay video để phạt. Làm như thế người dân không phục.


Mục đích của lực lượng CSGT là đảm bảo an toàn giao thông, giúp người dân ý thức hơn khi tham gia lưu thông, không phải mục đích là bắt càng nhiều càng tốt. Một xã hội có ít người vi phạm pháp luật, có ít người vi phạm luật giao thông càng thể hiện một xã hội văn minh…”.


Có ý kiến cho rằng, mục đích của Bộ Công an là thu thật nhiều tiền phạt, bởi tỷ lệ được hưởng quá cao./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn rfa, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage