Hợp tác Việt Nam-Australia về phát triển bền vững

Thứ Bảy, 27/07/2024

12:50 pm(VN)

-

3:50 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Hợp tác Việt Nam-Australia về phát triển bền vững

29/02/2024

Trang vietnam-briefing.com ngày 28/2 đăng bài viết cho rằng Australia và Việt Nam đang hợp tác trên nhiều phương diện nhằm phát triển xanh và bền vững thông qua một loạt hiệp định và chương trình mới.


Nền kinh tế xanh của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng to lớn, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, bối cảnh kinh doanh đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và các điều kiện thuận lợi cho sản xuất năng lượng xanh.


Hợp tác về phát triển xanh gắn liền với mục tiêu quốc gia của hai nước. Trong khi Việt Nam phấn đấu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Australia lại tìm cách giảm sự phụ thuộc đáng kể của nền kinh tế vào việc xuất khẩu than và khí đốt, bao gồm cả các nước ở Đông Nam Á. Là hai nền kinh tế quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, Australia và Việt Nam có mối quan hệ thương mại và đầu tư được thiết lập chặt chẽ và sẽ tiếp tục phát triển.


Theo tổ chức nghiên cứu Asialink của Australia, năm 2022, thương mại song phương Australia-Việt Nam đạt 25,7 tỷ AUD (16,72 tỷ USD), tăng 62% trong giai đoạn 2020-2021.


Quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam phải đối mặt với nhiều trở ngại, đặc biệt là số lượng lớn các nguồn lực cần thiết để duy trì tham vọng kinh tế của đất nước và đáp ứng các cam kết về khí hậu. Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Việt Nam sẽ cần khoảng 115-140 tỷ USD đầu tư vào sản xuất và truyền tải năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện cho đến năm 2030. Việc mở rộng hợp tác về khí hậu mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Australia đầu tư vào nền kinh tế xanh của Việt Nam và giúp đa dạng hóa nền kinh tế Australia, thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch.


Hợp tác Australia-Việt Nam về phát triển xanh


Trong những năm gần đây, Australia và Việt Nam đã cam kết thực hiện nhiều thỏa thuận hợp tác và đầu tư năng lượng xanh, trong đó có một số cam kết được thực hiện vào năm 2023.


Tháng 8/2019, Chính phủ Việt Nam và Australia đã nhất trí xây dựng Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) cho giai đoạn 2020-2023. Chiến lược này nhằm đưa Việt Nam và Australia vào danh sách “10 đối tác thương mại hàng đầu” của nhau và “tăng gấp đôi đầu tư thương mại hai chiều”.


Theo Asialink, năm 2022, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, còn theo DFAT, dòng đầu tư của Australia vào Việt Nam đạt 1,8 tỷ AUD (1,2 tỷ USD), chỉ tăng 30% so với năm 2020, cho thấy còn nhiều cơ hội để cải thiện.


Kể từ năm 2021, Việt Nam và Australia đã xem xét nâng tầm quan hệ song phương lên thành Đối tác chiến lược toàn diện (CSP), một thỏa thuận hợp tác và đầu tư song phương mà trong đó hai bên cam kết tăng cường hợp tác phát triển kinh tế và xã hội. Lần gần đây nhất, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đề xuất tiến trình phát triển CSP là trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta hồi tháng 9/2023. Trong cuộc họp này, ông kêu gọi hoàn thiện “các thủ tục nội bộ cần thiết”.


Australia hiện có CSP với khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam là thành viên. Tháng 7/2023, DFAT đã công bố thông tin chi tiết về chương trình đề xuất đầu tư vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian 5 năm đầu. Theo Thỏa thuận đối tác tăng trưởng kinh tế Australia-Việt Nam được đề xuất, Australia cam kết sẽ đầu tư 75 triệu AUD (49 triệu USD) vào Việt Nam từ năm 2024-2029, với khả năng gia hạn thêm 5 năm nữa.


Trọng tâm cốt lõi của chương trình này là quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Chương trình sẽ tìm cách hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng và cần thiết, nhằm vượt qua những trở ngại để đạt được mục tiêu phát thải khí hậu vào năm 2050. Điều này sẽ bao gồm việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng cường cung cấp điện, giảm lượng khí thải carbon, đảm bảo nguồn cung và giá năng lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho “giao dịch điện xuyên biên giới với các nước láng giềng”. Kế hoạch này sẽ được thực hiện thông qua “quy trình mua sắm hai bước”, chi tiết về quy trình này sẽ được công bố vào cuối quý 1/2024. Sau đó, kế hoạch này dự kiến sẽ được triển khai từ giữa năm 2024.


Chính phủ Australia cũng cam kết tài trợ để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế và khí hậu. Tháng 6/2023, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Albanese đã công bố gói 105 triệu AUD (68 triệu USD) hướng tới việc áp dụng năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Các quỹ cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cập nhật luật khai thác mỏ của nước này để cho phép đầu tư nước ngoài vào các khoáng sản quan trọng.


Tiếp đó, tháng 8/2023, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã công bố tài trợ 94,5 triệu AUD (61,5 triệu USD) để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, một khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.


Ngoài các sáng kiến của chính phủ, còn có một số chương trình hỗ trợ kinh doanh với sự hỗ trợ của chính phủ. Một trong những chương trình như vậy là Chương trình Kinh tế xanh Australia-Việt Nam, một chương trình được phát triển bởi tổ chức tư vấn Asialink và Trung tâm Climateworks, được DFAT hỗ trợ.


Chương trình nhằm mục đích “tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai chiều giữa Australia và nền kinh tế xanh Việt Nam”, bằng cách cung cấp kiến thức và nghiên cứu về các ngành công nghiệp xanh của Việt Nam và thúc đẩy kết nối với các đối tác Việt Nam.


Cơ hội cho các công ty Australia trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam


Vốn đầu tư cần thiết cho phát triển năng lượng của Việt Nam mang lại cơ hội đáng kể cho các công ty Australia tham gia vào các lĩnh vực bền vững. Những cơ hội này bao gồm từ việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các dự án năng lượng tái tạo đến các ngành công nghiệp phụ trợ như bảo tồn năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu.


Đặc biệt, ngành điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Với đường bờ biển rộng lớn, Việt Nam có công suất năng lượng gió đáng kể, nhưng hiện chưa được sử dụng đúng mức. Tương tự, tiềm năng năng lượng mặt trời là đáng kể, nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Các công ty Australia chuyên về công nghệ năng lượng gió và mặt trời có thể tận dụng kinh nghiệm của mình và thiết lập chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về các giải pháp năng lượng tái tạo.


Một lĩnh vực quan trọng khác của quá trình chuyển đổi xanh là cải thiện khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tần suất lũ lụt và bão cực đoan ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tác động của việc Trái đất ấm lên có thể khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 12-14,5% GDP vào năm 2050 nếu không có biện pháp phối hợp nào được thực hiện.


Chuyên môn của Australia về cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và nông nghiệp bền vững có thể đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực như quản lý rủi ro lũ lụt, bảo vệ bờ biển và các hoạt động nông nghiệp thích ứng với khí hậu mang đến cơ hội hợp tác giữa các công ty Australia và Việt Nam.


Hơn nữa, vai trò đi đầu của Australia trong lĩnh vực tài chính bền vững có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Bằng cách đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, các công ty Australia có thể đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đồng thời tạo ra tăng trưởng kinh tế.


Một lĩnh vực trọng tâm là khai thác và chế biến đất hiếm, thành phần quan trọng trong các công nghệ năng lượng tái tạo khác nhau như tua-bin gió, xe điện và tấm pin mặt trời. Theo Asialink, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác đáng kể, trong đó có trữ lượng kim loại đất hiếm lớn thứ 2 thế giới. Mặc dù sự tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành này phải chịu một số hạn chế nhất định, nhưng việc duy trì hợp tác giữa Australia và Việt Nam có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty của quốc gia châu Đại Dương.


Trong khi đó, các công ty Australia chuyên về công nghệ khai thác tiên tiến và phương pháp khai thác khoáng sản bền vững có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để thăm dò và phát triển các mỏ khoáng sản tại Việt Nam. Như đã nêu trong báo cáo chia sẻ kiến thức của Chương trình Kinh tế xanh Australia-Việt Nam, “tiềm năng của Việt Nam với tư cách là đối tác đáng tin cậy của Australia trong việc chế biến đất hiếm có thể giúp 2 quốc gia tăng cường an ninh tài nguyên và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cùng phát triển lĩnh vực khoáng sản quan trọng có thể thu hút đầu tư nước ngoài và mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường toàn cầu”.


Cuối cùng, chuyên môn của Australia về nông nghiệp bền vững có thể đóng góp hơn nữa cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam bằng cách giới thiệu các kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ nông nghiệp chính xác và các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Điều này bao gồm các phương pháp bảo tồn đất, quản lý nước và quản lý dịch hại tổng hợp cũng như sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo cho các hoạt động nông nghiệp.


Hơn nữa, nông nghiệp bền vững không chỉ tăng cường tính bền vững về môi trường, mà còn tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách cải thiện năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu vào và tăng cường tiếp cận thị trường cho nông dân Việt Nam. Nông nghiệp bền vững cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách cô lập carbon trong đất, giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp và tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Bằng cách áp dụng các biện pháp nông nghiệp bền vững, Việt Nam có thể đóng góp vào các mục tiêu về khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người dân./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn vnanet.vn

 

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage