Mối quan hệ Hà Nội-Canberra và 50 năm viện trợ của Australia

Thứ Bảy, 27/07/2024

5:19 pm(VN)

-

8:19 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Mối quan hệ Hà Nội-Canberra và 50 năm viện trợ của Australia

23/12/2023

Trang mạng The Strategist ngày 22/12 đăng bài viết của tác giả Melissa Conley Tyler, Giám đốc điều hành tổ chức Đối thoại Phát triển, Ngoại giao và Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng ngày càng có nhiều nhận thức rằng chương trình phát triển quốc tế của Australia là một trong những công cụ sức mạnh quốc gia mà Australia có thể sử dụng để định hình thế giới xung quanh. Khoản đầu tư 50 năm của Australia vào Việt Nam là một bài học mang tính hướng dẫn về những gì mà một mối quan hệ đối tác phát triển thành công có thể đạt được.


Làm thế nào mà hai quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau lại xây dựng được mối quan hệ như vậy? Mối quan hệ được thực hiện thông qua đầu tư dài hạn cho tất cả các công cụ quản lý nhà nước - bao gồm ngoại giao, thương mại và quốc phòng - với hợp tác phát triển là yếu tố then chốt. Điều này giúp 2 nước chuyển từ kẻ thù trên chiến trường thành đối tác kinh tế và phát triển quan trọng trong một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên.
 

Australia vẫn được nhớ đến với nhiều cái “lần đầu tiên” tại Việt Nam. Australia là một trong những nước đầu tiên công nhận Việt Nam và ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc. Có thời điểm, cơ quan đại diện ngoại giao Australia tại Hà Nội trở thành cầu nối liên lạc duy nhất giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phương Tây.


Australia xây dựng tuyến cáp quang biển, trạm vệ tinh mặt đất và đường dây truyền tải điện cao thế đầu tiên cho Việt Nam. Nhiều ngân hàng và công ty luật nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam cũng có nguồn gốc từ Australia. RMIT là trường đại học quốc tế đầu tiên được mời vào Việt Nam.


Australia xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Mekong ở Việt Nam vào năm 2000. Đây là dự án phát triển lớn nhất của Australia tính đến thời điểm đó. Được gọi một cách bình dân là “cây cầu Australia”, nó vẫn là một biểu tượng rất rõ ràng về chiều sâu của mối quan hệ Việt Nam-Australia. Giáo dục đại học cũng là một hướng quan trọng để xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, bao gồm cả thông qua các khoản học bổng được cung cấp theo chương trình phát triển.


Một trong những điểm chính trong quan hệ Việt Nam-Australia là Trung tâm Việt-Australia nằm trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trung tâm dựa trên kiến thức chuyên môn của Australia để cung cấp hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, hoạt động nghiên cứu và cung cấp thông tin đầu vào về chính sách nhằm hỗ trợ lãnh đạo cấp quốc gia và cấp tỉnh của Việt Nam.


Thước đo thành công là Australia đã giúp định hình Việt Nam theo cách phù hợp với lợi ích lâu dài và rộng rãi của Australia trong việc thúc đẩy một khu vực hòa bình, ổn định và có thể dự đoán được. Đối với những người có xu hướng tin vào thuyết định mệnh về khả năng của Australia trong việc tác động đến các vấn đề quốc tế, mối quan hệ Australia-Việt Nam là một bài học khách quan về những gì có thể đạt được với cam kết định hình một tương lai chung và việc sử dụng thông minh, lâu dài các công cụ quản lý của Australia./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn The Strategist, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage