Những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga sau khi Putin thắng cử

Thứ Bảy, 27/07/2024

12:29 pm(VN)

-

3:29 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Những thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nga sau khi Putin thắng cử

29/03/2024

Sau 3 ngày bỏ phiếu, kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Nga đã được công bố hôm 18/3. Đúng như dự đoán, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Tổng thống đương nhiệm Putin đang dẫn trước đáng kể so với các ứng cử viên khác với hơn 87% phiếu bầu, trên thực tế đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dư luận mô tả chiến thắng của Putin là “chiến thắng áp đảo”.


Điều này có nghĩa là Putin, 71 tuổi, sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. Đây cũng là lần thứ năm ông nhậm chức Tổng thống Nga. Theo một số bình luận, nếu Putin hoàn thành nhiệm kỳ, thì ông sẽ vượt qua Stalin thời Xôviết và trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất nước Nga trong hơn 200 năm qua. Việc Putin tái đắc cử sẽ mang lại điều gì cho Nga và thế giới? Những thách thức nào đang chờ đợi ông trong tương lai?


Tỷ lệ phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đều cao


Cuộc bầu cử Nga năm nay nhìn chung được cho là không gây hồi hộp, nhưng vì là sự kiện chính trị hàng đầu ở Nga trong năm nay nên tầm quan trọng và ý nghĩa mang tính cột mốc của nó không bị giảm bớt. Xét cho cùng, đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức kể từ khi Nga sửa đổi hiến pháp vào năm 2020, và đây cũng là cuộc bầu cử được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt – cuộc khủng hoảng Ukraine đã leo thang đến năm thứ ba. Theo một mặt nào đó, đây là cuộc bầu cử thời chiến và cũng được coi là cuộc bỏ phiếu của người dân Nga đối với chính phủ kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine được triển khai.


Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng dựa trên kết quả sơ bộ có thể thấy xu thế đã khá rõ ràng. Putin nhận được hơn 87% phiếu bầu, cao hơn nhiều so với các ứng cử viên khác, và trên thực tế đã giành chiến thắng. Hơn nữa, so với tỷ lệ phiếu bầu 76% trong cuộc bầu cử năm 2018, con số vượt quá hơn 10 điểm phần trăm lần này được coi là tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử trước đây ở Nga kể từ khi Liên Xô tan rã.


Tỷ lệ phiếu bầu này cũng phù hợp với số liệu khảo sát trước bầu cử. Một cuộc khảo sát trước đó của Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VCIOM) cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin là 87%. Theo số liệu từ Ủy ban bầu cử trung ương Nga, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay đạt mức cao kỷ lục – hơn 74%, vượt xa tỷ lệ 67,5% trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018.


Sáng 18/3, Putin có bài phát biểu tại trụ sở chiến dịch. Ông cảm ơn sự ủng hộ của toàn thể cử tri, khẳng định Nga là một đại gia đình và kết quả cuộc bầu cử này phản ánh sự tin tưởng cũng như kỳ vọng của cử tri, đồng thời cam kết mọi nhiệm vụ của đất nước sẽ được hoàn thành. Khi ông phát biểu, những người ủng hộ đã hô vang “Putin, Putin, Putin” và “Nga, Nga, Nga”.


Trong 6 năm qua, chiến tranh Nga-Ukraine đã nổ ra, Moskva phải hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây, môi trường bên trong và bên ngoài nước Nga đã trải qua những thay đổi to lớn. Trong nghịch cảnh như vậy, tại sao tỷ lệ phiếu bầu của Putin và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đều tăng tới mức kỷ lục?


Phùng Thiệu Lôi, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, phân tích rằng nhìn vào sự thay đổi về tỷ lệ ủng hộ và bỏ phiếu cho Putin trong 20 năm qua, có thể thấy cả tỷ lệ phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này đều đạt mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy địa vị chính trị ổn định của Putin và đường lối chính trị cũng như các quyết định chiến lược của ông được đa số người dân Nga công nhận.


Có ba yếu tố là bệ đỡ đằng sau địa vị chính trị vững chắc của Putin. Thứ nhất, tình hình trên chiến trường Nga-Ukraine đã thay đổi. Đối mặt với cuộc xung đột quân sự có sự hỗ trợ của NATO, Nga đã có thể biến bất lợi thành lợi thế tương đối. Thứ hai, nền kinh tế Nga vẫn tiến lên thay vì suy thoái trước các biện pháp trừng phạt toàn diện và khắc nghiệt, cho thấy tính bền bỉ nhất định. Thứ ba, trước thử thách của cuộc chiến tàn khốc và môi trường quốc tế, xã hội Nga chưa bị chia rẽ hoàn toàn như phương Tây mong đợi mà trái lại, người dân Nga đoàn kết hơn và tin tưởng hơn vào tương lai.


Động thái sau thắng cử có ý nghĩa gì?


Tại cuộc họp báo ngày 18/3, Putin tuyên bố trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển đất nước. Về bức tranh xây dựng đất nước trong 6 năm tới, Putin từng miêu tả nó trong Thông điệp liên bang cuối tháng 2: đặt ra các mục tiêu phát triển, bao gồm cả việc mở rộng xuất khẩu các sản phẩm phi năng lượng và thực hiện nhiều dự án quốc gia. Tại cuộc họp báo hôm đó, Putin nhắc lại sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển được đề ra trong Thông điệp Liên bang, đồng thời đưa ra những phát biểu mới nhất về hàng loạt vấn đề đang được quan tâm.


Nói về những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới, Putin tập trung vào vấn đề các hoạt động quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine và tăng cường năng lực phòng thủ của Liên bang Nga. Về vấn đề Ukraine, Putin cho biết Nga sẵn sàng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình thông qua đàm phán, nhưng chỉ khi Ukraine mong muốn thiết lập quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với Nga thay vì dành thời gian để tái vũ trang cho quân đội Ukraine vốn đã kiệt quệ. Putin cũng nhắc đến việc không loại trừ khả năng buộc phải thiết lập vùng an toàn ở Ukraine do khu vực biên giới Nga chịu nhiều cuộc tấn công.


Về quan hệ đối ngoại, Putin đặc biệt dành cho quan hệ Trung-Nga sự quan tâm đặc biệt. Ông cho biết sẽ tiếp tục củng cố quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời ca ngợi mối quan hệ bền chặt và bổ trợ cho nhau giữa hai nước là nhân tố ổn định trên trường quốc tế. Putin cũng nhắc đến vấn đề Đài Loan, nhấn mạnh Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc; những ý đồ kích động, khiêu khích xung quanh Đài Loan và thực hiện nhiều biện pháp nhằm trì hoãn sự phát triển của Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn.


Khi đề cập đến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, Putin đặc biệt đưa ra lời cảnh báo tới NATO. Khi được hỏi liệu một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO có thể xảy ra hay không, Putin trả lời rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong thế giới ngày nay. Putin cho rằng xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO đồng nghĩa với việc Chiến tranh thế giới thứ ba chỉ còn cách một bước, nhưng hầu như không ai muốn chứng kiến kịch bản này.


Bước đi tiếp theo trong đối nội và đối ngoại của Nga là gì? Những tuyên bố mới nhất của Putin đưa ra thông tin quan trọng gì? Phùng Thiệu Lôi cho rằng cần xem xét 2 khía cạnh trong phát triển đất nước của Nga.


Thứ nhất, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được thực hiện trong hơn hai năm qua, Chính phủ Nga về cơ bản đã thành công trong việc tách biệt vấn đề chiến tranh với ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong nước, dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy cách làm này trong thời gian tới. Thứ hai, trong bối cảnh khu vực phía Tây đối mặt với tình thế đối đầu, Nga cần phải tiếp tục chuyển hướng sang phía Đông.


Theo các báo cáo chính thức, Putin có kế hoạch tới Cộng hòa Sakha ở Viễn Đông ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Xét về mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ, lâu dài và sự bổ trợ kinh tế mạnh mẽ giữa Cộng hòa Sakha với các nước như Trung Quốc, động thái này cho thấy Putin sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược hướng Đông.


Về chính sách đối ngoại, Putin sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao hiện tại, nhưng không chỉ chuyển hướng sang phía Đông để có thêm cơ hội hợp tác kinh tế mà còn quan tâm hơn đến Nam bán cầu. Từ tuyên bố mới nhất của Putin, có thể thấy ông vẫn thể hiện lập trường kiên định trong quan hệ với Trung Quốc và nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước là nhân tố ổn định, cho thấy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga sẽ tiếp tục tiến về phía trước.


Về mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, dự đoán xu thế đối đầu cao độ trong thời gian dài sẽ tiếp tục, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có những bước ngoặt mới. Chẳng hạn, liệu Thế vận hội Paris có mang đến cơ hội ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, từ đó mở ra cơ hội xoa dịu quan hệ hay không? Phùng Thiệu Lôi nhận định: “Điều đáng chú ý là liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Putin cho biết ông ủng hộ việc tổ chức đàm phán hòa bình, thậm chí tuyên bố sẽ xem xét đề xuất của Tổng thống Pháp Macron ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Paris. Điều này mang lại kỳ vọng và hy vọng cho thế giới”. 


 “Thác nước” tiếp tục đổ xuống


Một tuần trước cuộc bầu cử, trong cuộc tọa đàm với các nữ sinh viên tốt nghiệp Trường hàng không quân sự Krasnodar, Putin đã bày tỏ quan điểm một cách chân tình rằng cuộc đời giống như một thác nước. Ông nói: “Cuộc đời tôi được tạo thành bởi vô số sự kiện và hoạt động khác nhau, như thác nước đổ xuống không ngừng”.


Đối với Putin, trong bối cảnh tình hình trong nước cũng như quốc tế diễn biến phức tạp và không ngừng thay đổi, “thác nước có thể vẫn đổ xuống” trước nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm. Có một số dấu hiệu cho thấy các thách thức sắp xuất hiện.


Trong cuộc bầu cử tổng thống này, mặc dù nhiều người Nga ủng hộ Putin, nhưng vẫn có một số người Nga có tiếng nói khác. Chẳng hạn, nhiều người đã tham gia biểu tình phản đối Putin, một số bày tỏ hy vọng thay đổi và một số khác chọn bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác.


Đã hơn 2 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, dù người dân Nga đã bắt đầu thích nghi với thực tế mới, nhưng ảnh hưởng của xung đột quân sự và các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn rõ rệt. Các nhà nghiên cứu xã hội Nga cho rằng nỗi lo quân sự trong xã hội Nga đang được thay thế bằng nỗi lo thường nhật như nỗi lo kinh tế. Đối với người dân thường, ảnh hưởng trước tiên là về giá cả. Cuộc tổng tuyển cử dù diễn ra tốt đẹp nhưng vẫn không thoát được bóng đen của cuộc chiến Nga-Ukraine.


Trong thời gian bầu cử, Ukraine tăng cường tấn công Nga, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái và tên lửa tấn công các cơ sở ở Nga, pháo kích các khu vực biên giới Nga, và thậm chí còn tìm cách sử dụng lực lượng đặc biệt và lính đánh thuê nước ngoài để tấn công lãnh thổ Nga.


Phùng Thiệu Lôi cho biết: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài dai dẳng, các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục được áp dụng và thách thức đối với Nga vẫn rất nghiêm trọng”. Một mặt, NATO tiếp tục can thiệp vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong khi Pháp đe dọa không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine. Điều này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và khiến Nga phải chịu áp lực lớn hơn. Mặt khác, việc tăng tỷ trọng chi tiêu quân sự trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế nước này, và mức độ ảnh hưởng cũng khiến người ta quan ngại.


Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng về lâu dài, dựa trên các yếu tố như tiềm năng nước lớn và những thay đổi về cơ cấu thể chế kinh tế, Nga rất có thể sẽ trụ vững trước sức ép của các hoạt động quân sự và biện pháp trừng phạt kinh tế. Hơn nữa, Putin trong Thông điệp Liên bang cũng đề xuất các mục tiêu phát triển trong 6 năm tới, bao gồm tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học, tăng tỷ trọng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao trên thị trường nội địa, điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu kinh tế, khởi động các dự án quốc gia… Tất cả đều cho thấy Nga đã nhận thức được rằng họ đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng và đang tìm giải pháp đối phó./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn Trang mạng Quan sát Thượng Hải, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage