Quan hệ Việt Nam-Australia là quan hệ thực chất dựa trên “niềm tin chính trị”

Thứ Bảy, 27/07/2024

6:10 pm(VN)

-

9:10 pm(AU)

dropdown weather

Đang hiển thị

Thành phố khác

Rao vặt
VN EN

Quan hệ Việt Nam-Australia là quan hệ thực chất dựa trên “niềm tin chính trị”

03/04/2024

Theo đài RFI, Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đánh dấu thành công mới trong chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Trong thông cáo chung ngày 7/3, hai nước “chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị ép buộc, nơi độc lập, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng”. Dù không nêu đích danh Australia và Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ “ưu tiên đối đầu, lập liên kết độc quyền”.


Theo nhận định của TS. Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị học tại Đại học Công nghệ Queensland, PGS thỉnh giảng về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sunshine Coast ở Australia, nếu được ký trong năm 2023, đúng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam-Australia, “niềm vui sẽ được trọn vẹn”. Tuy nhiên, lịch trình đã được dãn ra, phải chăng để tránh chọc giận Bắc Kinh? Tháng 9/2023, Việt Nam đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang tầm với Trung Quốc, vì đối với Mỹ, thời điểm đó “không thể trì hoãn hơn”.


Việc Việt Nam-Australia lùi thời điểm ký nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sang năm 2024 không có nghĩa là làm giảm ý nghĩa chiến lược và lòng tin của hai bên, đặc biệt là Australia, một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và duy trì “mối quan hệ thân hữu”, theo ca ngợi của Thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 8/2019.


Theo TS. Nguyễn Hồng Hải, cả Việt Nam và Australia đều thực sự muốn nâng cấp quan hệ, bởi vì cả hai nước đều nhìn thấy vai trò và vị trí chiến lược của nhau, tầm quan trọng của mỗi nước đối với vấn đề phát triển và an ninh của nhau. Ngay từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, phía Australia đã nhìn thấy vị trí và vai trò chiến lược của Việt Nam trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, ngay cả khi chiến tranh thời đó chưa kết thúc, Australia cũng sẵn sàng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với một nước vốn là cựu thù, với một nước vốn còn chiến tranh với đồng minh của họ vào thời điểm đó, chính là Mỹ.


Ngược lại, Việt Nam cũng nhìn nhận Australia khác với cả những nước phương Tây khác. Mặc dù Australia cũng đưa quân tham chiến, giống như một số đồng minh khác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cách tiếp cận cũng khá độc lập, khá tiến bộ và khá thân thiện với Việt Nam. Cho nên, việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam đối với một đối tác nước ngoài, là điều được cả hai bên rất mong đợi.


Việc nâng cấp quan hệ như vậy sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện những bước đi mang tính chiến lược hơn, kể cả từ góc độ kinh tế hay từ góc độ hợp tác quốc phòng-an ninh, cũng như một số lĩnh vực mới nổi khác như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới-sáng tạo… Đặc biệt trong công tác chống biến đổi khí hậu, cả Australia và Việt Nam đều đặt mục tiêu đến năm 2050 giảm lượng phát thải về 0. Cả hai nước đều đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy, cho nên thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo điều kiện cho cả hai nước hỗ trợ nhau tốt hơn.
Hiện Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, nhưng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia sẽ thực chất và toàn diện đúng với nghĩa hơn.


Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Australia, Ngoại trưởng Penny Wong thông báo tài trợ 64 triệu AUD cho vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, cũng như sông Mekong. TS. Nguyễn Hồng Hải cho biết, mục tiêu là nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Australia trong việc nâng cao năng lực hàng hải và tăng cường việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. Khoản tài trợ này không dành riêng cho một đối tác cụ thể nào, tức là các nước trong khu vực đó đều có thể được thụ hưởng và tham gia vào sáng kiến đó. Việt Nam là thành viên ASEAN và hiện được coi là một trong những thành viên chủ chốt trong ASEAN, cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.


Việt Nam và Australia đã có sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt là hai bên đã có những cơ chế hợp tác ổn định, nhưng hợp tác hàng hải về nâng cao năng lực chấp pháp biển thì chưa có. Tuy nhiên, Tuyên bố chung Việt Nam-Australia đã nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, đây cũng là điều rất mới, bao gồm cả vấn đề về chia sẻ thông tin tình báo và quản lý bền vững tài nguyên biển, chống đánh bắt cá trái phép.


Có thể thấy, Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải trong khuôn khổ sáng kiến về hợp tác hàng hải Đông Nam Á mà Ngoại trưởng Penny Wong công bố tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Australia và hợp tác cả trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện mới được nâng cấp. Việt Nam và Australia đều là hai quốc gia biển, cả hai nước đều đặt mục tiêu là phát triển, mạnh vì biển và chắc chắn hai nước không có lý do gì không phát triển mạnh vì biển để trở thành cường quốc biển./.

 

Thoibaovietuc.com/Nguồn rfi, vna

Copyright © 2022 Thời báo Việt Úc. All Rights Reserved

Mail
Zalo
Hotline

Hotline

SMS

Zalo Chat

Fanpage